Giải thưởng Dogma 2021: Mặc tưởng: Kỉ niệm 10 năm Giải thưởng Dogma

30 September - 31 December 2021
Tổng quan

2021 là một năm đặc biêt đối với Giải thưởng Dogma khi đánh dấu hành trình mười năm gắn bó lâu dài với Tự hoạ đương đại. Chủ đề Mặc tưởng – quan sát nội tâm – vốn đã là đặc hữu đối với sáng tác tự hoạ, tuy nhiên đối với những biến chuyển sâu sắc ảnh hưởng lên cả toàn cầu trong khoảng hai năm nay, chủ đề này lại càng có thêm sức cộng hưởng. Chúng ta là ai? Vai trò, vị thế và trách nhiệm của chúng ta có hay không, và chúng như thế nào? Quả là những câu hỏi khiến khó có được câu trả lời chung và toàn diện. Nhưng thật ra là chúng ta không muốn có câu trả lời chung, mà là tìm đến với những tự sự riêng của từng nghệ sĩ tham gia triển lãm này.

 

Hãy tưởng tượng như ta đang tìm kiếm một người bạn để có thể cùng tham gia một cuộc đối thoại sâu lắng. Con người này sẽ phản ánh một người bạn, hay bạn của người bạn, hay người quen của một người thân. Hành trình để tìm thấy người bạn ấy có thể sẽ cũng chỉ là hoài công, hoặc hoá ra trong tình cờ ta lại tìm thấy nhiều người kết nối với mình một cách bất ngờ. Dù là ngắn ngủi thôi. Biết đâu đấy.

 

Trong không gian này, đôi mắt ta chạm đến, để rồi gợi cho trí óc vén từng bức màn che đậy nội tại của người khác. Như trong bản đồ kỳ công của Hà Ninh, là tác phẩm chuyển tải những hình ảnh, sinh cảnh từ nội tâm khi anh quan sát ngược vào bên trong và vẽ lại những kiến thức, phán xét, niềm tin riêng biệt của mình so với những sự việc khác cùng tồn tại. Hà Ninh khẳng định độc quyền suy nghĩ của mình giữa những đè nén, chằng chéo lên nhau của những ảnh hưởng đến từ truyền thống gia đình, hoặc những ảo tưởng trong xã hội bằng cách “thiết kế một bộ ngôn ngữ của riêng mình, [để] tôi không bao giờ sợ bị quy chiếu bởi những ngôn ngữ đã có, kể cả tiếng mẹ đẻ. Tôi cũng không bao giờ sợ bị hiểu sai, dù cho nguyên nhân là vô tình hay cố ý.”

 

Đến với tác phẩm của Nguyễn Hải Đăng, được làm từ gỗ của căn nhà mà anh sinh ra và lớn lên, ta rón rén bước chân vào vùng tín ngưỡng để hình dung anh “mặc tưởng” qua nghi thức quỳ gối xét mình trong đạo Công Giáo mà anh được học và thực hành từ nhỏ. Là một nghệ sĩ, việc thực hành còn liên quan mật thiết đến chất liệu sơn mài trong tác phẩm. Là một tín hữu, anh “bước vào một cam kết tự thân, thành thật với chính mình, tự phê bình mình để bước vào một Bí tích quan trọng trong đạo Công Giáo - Bí tích Giải tội - nơi hoà giải với Chúa, với bản thân, với mọi người.”

 

Để hiểu được Prak Dalin - một nghệ sĩ trẻ người Cam-pu-chia, ta hãy dùng ký hiệu để đối thoại, những ký hiệu đến từ đường kẻ, hình dạng, chất liệu. Bởi cô nói qua ngôn ngữ thị giác và trí tưởng tượng của mình, nói về bản đồ đất nước, nói về nơi cô ở và những gì xung quanh.  “Những hình người trừu tượng nối lại với nhau hình thành nên một con rắn trườn trên đất. Con Rắn, bằng vô số cách, là đại diện cho một nhân vật trong xã hội. Nhân vật Rắn này không chỉ nhắc đến một vị lãnh đạo mà còn gợi đến những tay triệu phú Trung Quốc đến nước tôi và lấy đi những gì họ muốn bất kỳ lúc nào…”

 

Rồi khi rảo chân tiến sâu hơn vào không gian, ta sẽ gặp Thuỷ Tiên/ Sarah, người mà “thoạt đầu chống đối việc “mặc tưởng”, phán xét bản thân mình trong khi làm tác phẩm”, để rồi sau cùng cô thành thật thừa nhận rằng mình “thất bại hoàn toàn trong việc này”. Cần nhận thấy sự can đảm trong tác phẩm sắp đặt đa phương tiện thoạt nhìn như rất hiền hoà, nhẹ nhàng vì cô từng nhấn mạnh rằng nhân vật chính trong phim chỉ là một nhân vật không có thật. Nhưng dần dần, cô “chấp nhận là nhân vật này thể hiện ra những điểm mềm nhất, dễ tổn thương nhất trong bản thân mình – những điểm tôi thường thà che giấu hơn cho người ta thấy tới... Tôi mơ hồ, tôi lãng mạn, tôi hay lạc mình trong sự trừu tượng. Tôi dễ bị khó chịu. Tôi đi vòng vòng mà không thể thoát khỏi ra những góc nhìn cũ. Tôi nhạy cảm. Tôi biết đau.”

 

Cũng trong không gian này, ở một tầng khác, đôi tai ta đón nhận lấy âm thanh của Đào Tùng trong tác phẩm gắn liền với những tâm tư của anh – phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Đối với anh, đó là “một sự kiện “lịch sử”, tuy ngắn ngủi nhưng đã truyền rất nhiều cảm hứng về lòng dũng cảm, tinh thần yêu tự do, khao khát sáng tạo và học thuật của những tri thức, nghệ sĩ thế hệ trước. Một sự kiện chất chứa nhiều nỗi buồn và sự tiếc nuối cho những thành viên tham gia và cho cả dân tộc.”

 

Đến với Mao Sovanchandy, một kiến trúc sư trẻ đang sống giữa những phát triển và xáo trộn đô thị dồn dập ở nước láng giềng Cam-pu-chia, ta sẽ nhìn thấy “chân dung” của cô qua một cách đặc tả khác lạ: “Tôi đứng đó và nâng lên những tấm gương phản chiếu sự tương phản giữa những toà nhà mới và cũ. Tôi trở thành nhân vật vô diện giống như vô vàn những người khác, và cũng như chính cái thành phố này mất đi danh tính của chính mình do những thay đổi chóng vánh của đô thị.”

 

Là một hoạ sĩ Tây phương sinh sống ở Việt Nam, Léopold Franckowiak mượn câu chuyện cá nhân để chỉ mối quan hệ nhân sinh vượt ra khỏi giới hạn địa phương, đặc biệt là trong đại dịch này, khiến ông chợt nhận ra “một hiệu ứng cho phép các hoạ sĩ biến những sự việc xảy ra thành bất tử, cũng như cách bức chân dung trở thành một phần của Lịch Sử. Và bởi vì Lịch Sử luôn được nhìn nhận thông qua những sự kiện diễn ra trước đó hoặc có liên quan, tôi muốn gợi lại một đợt dịch quan trọng khác, Cơn Đại Dịch của Venice vào thế kỷ 18 – qua chi tiết đặc trưng trong phục trang của anh hề Harlequin, với kiểu thiết kế hình thoi nhị sắc thường được dùng trong hài kịch phong cách Ý”. 

 

Tác phẩm video của Phạm Nguyễn Anh Tú là một lời tâm sự phá cách, đầy sắc màu nhưng cũng chân thành, kể về những hành vi  “vô thức một cách có ý thức” của anh khi tìm cách thu thập, lưu giữ những suy nghĩ và cảm giác khó có thể truyền tải bằng lời: “Tôi giật mình nhận ra sợi dây liên kết giữa mối quan tâm của tôi về ký ức, về sự tồn tại với sự ra đi của một người bạn cũng tầm này năm ngoái. Khi mà sự tồn tại của thể xác không còn nữa, đâu đó sự hiện diện của họ đã được ghi lại, lưu giữ mãi mãi trong những tấm hình, những thước phim. Và những tấm hình, những thước phim ấy là những tập hợp của vô số các điểm ảnh.”

 

Trong tác phẩm “ Ở Đâu Vui Ở Đó Có Bê Đê” của Jack, ta sẽ quan sát “hành trình phản tư về bản sắc và cách thể hiện giới bắt nguồn từ kinh nghiệm và quan sát từ chính bản thân về cách xã hội ép buộc những tiêu chuẩn nhất định lên các nhóm thiểu số”. Câu chuyện của Jack là một câu chuyện rất cá nhân, nhưng thông qua đó, Jack mong muốn ngôn ngữ riêng của mình có thể “đưa ra một thông điệp lớn hơn, và cuối cùng là để phục vụ cho chính mục đích tự thân của sáng tạo, chứ không phải cho một ai khác.”

 

Một nhà triết học danh tiếng từng nói rằng suy nghĩ không tồn tại nếu không có hình ảnh. Nói theo cách khác thì chỉ có riêng ta mới có thể nhìn thấu vào dòng trải nghiệm của chính mình, còn người khác nếu muốn thấy được thì phải cần đến những tín hiệu thị giác mà ta phát ra. Qua triển lãm này, các nghệ sĩ chuyển tải hình ảnh mặc tưởng ban đầu trở thành hình ảnh văn hoá đa chiều để nhắn gửi thông điệp đến với người xem. Liệu người xem sẽ đón nhận quá trình lao động trí óc để tạo nên ý nghĩa nghệ thuật đó như thế nào? Mong rằng mỗi người trong chúng ta, thông qua cuộc đối thoại tưởng tượng, rồi lại sẽ có được một câu trả lời cho riêng mình.

 

Bảo Châu.

 

Tác phẩm
Hình ảnh sắp đặt