Tôi Là Nữ Siêu Nhân Ư?
Lần này, hoàn toàn không chỉn chu trau chuốt như mọi khi, cô ấy cao giọng và bùng nổ:
“TÔI LÀ SIÊU NỮ NHÂN Ư?”
…
Dù mang đầy tính khiêu khích, câu hỏi này lại không cần một câu trả lời theo nghĩa đen mà lại là một sự gợi mở để hướng đến thế giới phức tạp huyền bí của vai trò nữ giới. Ta thông qua một cuộc triển lãm nghệ thuật để cùng khám phá nó thì không tệ nhỉ?
Một mặt “Tôi là siêu nữ nhân ư?” đi ngược thời gian để phân tích hình tượng phụ nữ được thể hiện theo chuẩn mực Ba đảm đang trong lý tưởng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; mặt khác, triển lãm mặc tưởng về những câu chuyện nữ giới riêng tư qua diễn thuật của các nữ nghệ sĩ đương thời. Các tác phẩm đa chất liệu của họ sẽ ngẫm nghĩ về sự hy sinh, về cách người khác đặt ánh nhìn lên thân thể phụ nữ, và những nỗ lực để tái định nghĩa giá trị nữ tính theo những cách riêng. Hai khía cạnh trên khi được đặt cạnh nhau sẽ mở ra những suy tư đan xen giữa huyền thoại và hiện thực, giữa quy chuẩn chung và tính cá nhân liên quan đến vai trò nữ giới.
Có một phần quan trọng trong triển lãm, đó là những bức tranh cổ động từ quá khứ, phương tiện mà nhà nước Việt Nam đã và vẫn dùng để cổ vũ cho “lối sống tốt đẹp”. Qua thời gian, sự tuyên truyền này giúp hình thành nên một ý thức hệ chuẩn mực, được củng cố thêm ý nghĩa từ những bối cảnh xã hội đã tồn tại từ lâu đời. Trưng bày trong không gian là những bích hoạ được lựa chọn để cho ta thấy hình ảnh người phụ nữ Ba đảm đang trong cuộc sống thường nhật. Điều đáng chú ý là họ luôn được đặc tả với thân hình tươi trẻ, năng động và mơn mởn một cách diệu kỳ, dù họ có rơi vào hoàn cảnh cực nhọc đến đâu. Thông qua họ, chúng ta có thể thấy biểu hiện của cái gọi là “huyền thoại được sắp đặt” (Ellul, 1973), một ý niệm nhờ được kết hợp nhuần nhuyễn với tư tưởng Tam Tòng Tứ Đức trong đạo Khổng dành cho “phụ nữ ngoan hiền” đã ăn sâu trong truyền thống Việt Nam, trở thành sức mạnh lan toả đến mọi ngóc ngách sâu thẳm nhất trong tâm khảm và biến thành hiện thực. Loại hình cổ động mang tính xã hội này tác động một cách chậm rãi, trình bày tư tưởng đạo đức nhẹ nhàng nhưng lại có thể “hình thành nên một kết cấu nhân cách hoàn toàn vững chắc” (Ellul, 1973, t. 66), rất khó để đánh bật một khi đã bắt rễ. Cuộc sống hiện đại đã giải phóng phụ nữ trên nhiều phương diện, nhưng liệu bóng ma Ba đảm đang có vẫn còn ám ảnh hay không?
Cho đến nay, phụ nữ đã và đang được tưởng thưởng trong nhiều lãnh vực khác nhau tuy nhiên họ vẫn phải luôn mang theo mình trọng trách là “nội tướng”, sứ mạng sinh nở và nuôi dạy con, và vẫn cần là người nội trợ xinh đẹp hiền hậu. Nếu chúng ta quan sát bất kỳ một mẩu quảng cáo nào trên truyền hình dành cho sản phẩm gia dụng thì sẽ dễ dàng bắt gặp một cô nàng hạnh phúc xinh đẹp có tài biến hoá siêu đẳng giữa vai trò nội gia đình và sự nghiệp, cùng lúc cô nàng sẽ cất giọng hát yêu đời: “Có em luôn tươi cười…” Trong cuốn sách “Phụ nữ, người bản địa và người khác”, Trịnh Thị Minh Hà cũng viết rằng: “Họ biến chúng ta thành anh hùng lao động, phụ nữ đức hạnh. Chúng ta là mẹ hiền, là vợ ngoan, là chiến sĩ quả cảm… như ma nữ đã mất đi tính người.” Nếu như cái tính người của cô Hà đối diện với những nữ nhân tinh khiết toàn vẹn trong tranh cổ động, liệu nó có thắc mắc rằng: Họ có cảm thấy sợ hãi hoặc yếu đuối không? Họ có biết đau đớn không? Họ có bao giờ để mặc cho tóc rối tung và để lộ ra những tính kỳ quặc vốn có của mình? Bản chất bằng xương bằng thịt của họ liệu có thực sự khát khao muốn được là siêu nhân không?
Như lời đáp cho những câu hỏi trên, các tác phẩm đương đại của các nghệ sĩ nữ mang đến hiện thực và niềm tin của riêng họ. Thực hành nghệ thuật của họ hướng đến những phong cách biểu hiện riêng biệt nhằm trình bày những chủ ý và cá tính khác nhau.
Cách mà Ngô Đình Bảo Châu xoá sạch sắc màu rực rỡ, tháo rời hoàn toàn bức tượng mang tên “Chiến thắng” mà cô từng dựng nên mười năm trước đây nhằm ca ngợi đức hạnh nữ giới phản ánh một hành trình nỗ lực, ý thức rõ ràng nhằm chối bỏ những danh hiệu cao cả mà cô không còn muốn mang vác. Song hành với cái nhìn về quá khứ chính là sự biến đổi trong hiện tại của Châu, khi cô cố tình phá huỷ cái chiến thắng mà mình đã từng công nhận. Chính xác hơn là phá hủy toàn bộ hình ảnh và ý niệm về sự vinh danh mà thật ra cũng chính là gánh nặng, áp lực, những trách nhiệm cụ thể mà vẫn áp đặt lên cho người phụ nữ trong cuộc sống.
Một thập kỷ đã trôi qua làm xoá nhoà đi hình tượng thiêng liêng. Những gì còn lại chỉ là kỷ vật gần như tầm thường: khung di ảnh giữ lại một ký ức đã rời xa – một góc tưởng niệm; một bảng hiệu quảng cáo gắn đèn nê-ông trưng ảnh một sản phẩm đã hết thời – sự thoái trào của một bệ tượng. Chúng là lời nhắc nhở cho những hiện thực trần trụi hàng ngày chứa đựng đau thương và chết chóc, và minh chứng cho sự trớ trêu: sức nâng đỡ bền bỉ thầm lặng để tạo nên biểu tượng cao vời cũng cùng lúc chất chứa sức đè nặng âm ỉ – một sự chối từ danh hiệu! Chúng là sự chất vấn liên quan đến hình ảnh biểu tượng so với cụ thể, ảo ảnh so với chân thật, giống như cách mà tranh cổ động dựng lên những hình tượng nhằm cổ xúy cho một hình ảnh anh hùng đặc trưng. Ngoài ra, việc Châu áp dụng phương pháp in ấn, chơi chữ tối giản, và đèn pa-nô cũng là đối thoại song phương với thủ thuật in ấn hàng loạt, câu khẩu hiệu và quảng cáo trong truyền thông cổ động.
Một khi những vế đối tính dần hiện rõ ra trước mắt, chúng ta cũng dần nhận ra rằng tác phẩm của Châu cũng giống như mặt sau của một bức tranh cổ động vậy, nơi từ chối sự vinh danh của một tượng đài, đồng thời truyền đi thông điệp về một sự vô danh im lặng tỏa sáng.
Lêna vẽ giới nữ nhưng là từ trong ra ngoài, biến những cảm xúc và thế giới nội tại thành những khối căn bản, tựa như những biểu tượng phi tín ngưỡng về sinh sản và nữ tính; và những cấu trúc gợi lên cả nỗi đau lẫn sức mạnh. Ngôn ngữ hình ảnh kín đáo và tư duy trừu tượng của cô lại là một lựa chọn rất rõ ràng để tách biệt hẳn với những định hình vốn có về thân thể nữ giới.
Ba bức tranh sắp đặt gần nhau như một bộ ba hoạ hình nối liền: một bức với vệt phớt màu hồng tươi, một bức xếp lớp lên màu đỏ thắm và bức cuối cùng, một màn sương trắng phủ trên những nhát màu sâu và nóng gợi đến máu thịt và niềm đam mê. Chúng đơn giản nhưng đầy ẩn ý. Bề mặt tranh bị rạch và thêu bằng chỉ theo những thiết kế ẩn hiện, như nhịp trăng lên rồi xuống, như gợn sóng nhẹ lan toả trên bề mặt, như khuôn miệng chực nói nên lời, như sóng âm thanh truyền đi… Có gì đó vừa nghiêm chỉnh vừa gợi cảm trong những bức tranh này, và cũng có phần thô tục và tra tấn.
Đồng hành với ba bức tranh là một tác phẩm sắp đặt dựa theo không gian lấy cảm hứng từ truyền thuyết nàng Andromeda – bị xiềng vào tảng đá làm vật tế thần bởi do sắc đẹp của mình. Thần thoại này do người Hy Lạp kể dựa theo chuyện Hoàng hậu Casseopia làm các mỹ nhân ngư Nereids giận dữ vì khoe khoang rằng mình và con gái xinh đẹp hơn họ; và cũng dựa theo thần thoại về Perseus, người anh hùng đã cứu Andromeda khỏi thuỷ quái Cetus. Những gì Andromeda thực sự nghĩ đến không được đề cập.
Là một trong những chòm sao hiếm hoi được đặt tên cho nữ giới, nàng bị mãi mãi bị đóng băng trên bầu trời trong tư thế bị xiềng vào đá. Vẽ lại hình dạng chòm sao của nàng lên màn trập cửa bằng những lỗ hở để ánh sáng từ bên ngoài chiếu xuyên vào không gian bên trong, và ngược lại để người xem nhìn ra thế giới bên ngoài có lẽ là một cử chỉ nhỏ để giải thoát cho Andromeda. Và những ai bước ra ngoài ban công có thể phát hiện ra những mẩu suy tư cỏn con từ các nhân vật nữ đương thời.
Chúng ta cũng có thể từ đó ngẫm nghĩ về tình huống ngặt nghèo mà Andromeda phải đối diện: vâng lời Vua cha Cepheus để đổi lấy cái chết tàn khốc, hay trốn thoát. Những huyền thoại kể về Andromeda hay những nữ nhân cùng hoàn cảnh thường không đề cập đến phương diện rối rắm này. Tương tự như vậy trong tranh cổ động, thay vì vẽ ra sự thật rắc rối, những cảnh tượng đơn giản sẽ được trình bày, gắn liền với những chuyện thần thoại sẵn có, để tạo nên hiệu lực khiến cho những hành động lẽ ra là đau đớn, nguy hiểm trở nên đúng đắn, công bằng. Đây cũng là lý do mà câu khẩu hiệu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” trở nên hợp tình hợp lý một cách khó tin.
Trong tác phẩm điêu khắc động của Xuân Hạ dựa theo câu chuyện của Mẹ Nhu, bà Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện ra mối tương phản rõ rệt giữa sự cứng rắn lạnh lùng của chất liệu thép không rỉ và ký ức đầy cảm xúc về dòng máu nóng chảy đầm đìa từ cơ thể yếu ớt của Mẹ dùng làm lá chắn bảo vệ cho các con. Không may mắn như nàng Andromeda được cứu thoát, Mẹ Nhu gục chết ngay trước mũi súng của kẻ thù. Tuy Mẹ trở thành bất tử nhưng chẳng ai biết được nhiều hơn về đời thật, về những nỗi đau cũng như niềm hạnh phúc riêng tư trên trần thế của Mẹ. Phong cách tinh nghịch, khác lạ mà Xuân Hạ chọn dùng mô hình những người con sống động để đặc tả lại tượng đài công cộng hiên ngang khí phách của Mẹ Nhu, thật ra là cách rất riêng tư mà cô ấy dùng để tưởng nhớ và khẽ thủ thỉ câu hỏi kín đáo: “Giữa lựa chọn là một danh hiệu anh hùng quốc gia vẻ vang và một tình mẹ âm thầm đối với các con của mình, Mẹ Nhu lẽ ra sẽ chọn gì?”
Xuân Hạ tiếp tục thuyết trình quan điểm của mình của xoay quanh các chủ đề “người mẹ” ,“hình tượng”, “ tượng đài”, “sự tôn vinh” và cuối cùng là cách bỏ qua các chi tiết thật trong quá trình dựng lên những biểu tượng chuẩn mực như của Mẹ Nhu để phục vụ cho sự chiêm ngưỡng đại chúng. Có hai bức tượng khác bị bỏ rơi vương vãi nhưng cô lại chú ý đến. Hai vật được tìm thấy này là tượng đá cẩm thạch bị xưởng tạc tượng chuyên tạo ra sản phẩm tâm linh loại đi. Bị trói lại trong hình hài bất định, chúng như gợi đến phép đố đa chiều, đến hình hài biến chuyển qua lăng kính vạn hoa không màu sắc. Chim bồ câu? Đức mẹ Maria? Bồ tát? Dù chúng bị cho là xấu xí, hư hại so với tiêu chuẩn chung, chúng lại là cuốn hút theo thẩm mỹ riêng của Xuân Hạ. Bởi vì chúng chạm đến mối quan tâm của cô về cuộc đời thật của những người phụ nữ đằng sau những tấm gương ngụ ngôn thần kỳ. Cho nên cô cố tình lột bỏ đi ánh hào quang xung quanh những tượng đài để chỉ ra sự can thiệp mang tính bạo lực vào thân xác yếu đuối của những bà mẹ hiến thân mình cho công cuộc xây dựng những kết cấu mãi luôn vững chãi cho muôn đời sau ngắm nhìn.
Trong khi tác phẩm điêu khắc động là ngôn ngữ hình ảnh rất riêng của Xuân Hạ thì hai bức tượng tìm thấy cũng thể hiện tiếng nói khác biệt. Chúng làm lộ ra sự áp đặt quyền lực một chiều từ trên xuống giữa đấng tạo tác và phẩm vật. Đấng tạo tác quyết định những gì là xấu, là tốt, là đẹp và đồng thời gây ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng. Bị vùi lấp đi là những câu chuyện cá nhân có thật, thường là phức tạp trong bản chất.
Khi tạo dựng nên thần thánh, đấng tạo tác, hay đúng hơn là nhà điêu khắc và nhà tuyên truyền có được quyền lực như nhau. Họ đều có thể quyết định những khuôn mẫu chứa đựng những biểu tượng, định kiến sẵn có để khiến cho người xem không cần nhọc công tự mình hình dung ra. Môi đầy hơn, sống mũi thanh tao hơn, hông đầy đặn hơn, eo thon hơn, từng tí, từng tí một, đấng tạo tác điều khiển nhận thức và thái độ tiếp nhận đối với khuôn mẫu và biểu tượng. Bản thân các biểu tượng lại liên quan mật thiết đến hiện tượng tâm lý khiến cho hình thức tuyên truyền cổ động và nghệ thuật mang thêm sức mạnh ảnh hưởng xuyên suốt đến văn học, quá khứ, hiện tại, và cả lịch sử, thậm chí có thể được viết lại để tái tạo niềm tin. Tuyên truyền cổ động, theo một cách nào đó cũng giống như ngâm lên những câu cách ngôn, trong đó sự thật phức tạp được đơn giản hoá để công chúng dễ dàng chấp nhận.
Quay trở lại với các tác phẩm đương đại, dù là thể hiện theo cách riêng biệt nào đi nữa, cả ba nghệ đã cùng nhau mổ xẻ cái “huyền thoại được sắp đặt”, cái hình tượng siêu nữ nhân được dựng lên bằng những tư duy cá nhân của mình. Nhưng đáng nói hơn nữa là những tác phẩm của họ không nhằm chối bỏ những hy sinh, tình cảm vốn là tính thiên bẩm của phụ nữ dành cho gia đình và nhân loại, mà nhằm gợi mở cho sự cân nhắc mang tính cá nhân đối với tình yêu thương xuất phát từ sự tự chủ vô điều kiện, chứ không do bị bắt buộc.
Đồng thời, “Tôi là Siêu nữ nhân ư?” cũng kêu gọi người xem hãy cùng tham gia tiếp diễn câu chuyện nữ giới này trong bối cảnh đương thời: Thời gian đã đổi thay nó, hay nó vẫn đang là một chặng đường dài khi chúng ta vẫn cần thương lượng với quá khứ để cùng hướng tới tương lai?
---
Nguồn:
Ellul, J. (1973). Tuyên tuyền cổ động: Sự hình thành nên thái độ con người, theo Jacques Ellul viết. Vintage Books, New York.