Hoa Thống Nhất là một triển lãm do Dogma Collection khởi xướng
———
“Ta nên đối diện với xung đột như thế nào?
Trao hoa cho mọi người!”
Đối với Trần Minh Đức, cũng giống như những tác phẩm luôn gây bất ngờ của anh từ trước tới nay, một câu hỏi nghiêm trọng cần được giải đáp một cách uyển chuyển khó lường.
Thực hành của Đức mang đầy dấu ấn của sự tìm tòi, suy tư về những ký ức và lịch sử phát sinh từ những sự kiện văn hóa chính trị có liên quan mật thiết đến những câu chuyện từ gia đình anh, từ họ hàng và chòm xóm kể lại. Bị hấp dẫn bởi những xung đột luôn tiềm ẩn giữa những ghi nhận lịch sử khác nhau, rồi lại tiếp tục đan xen vào mối quan hệ với gia đình cũng như với định tính của riêng mình, Đức thực hiện triển lãm cá nhân này, tập trung vào một chiến dịch tuyên truyền cổ động làm ngòi nổ cho một Đợt di cư lịch sử của cư dân miền Bắc vượt qua Vĩ tuyến 17 để vào Nam – Chiến dịch “Sang Phía Tự Do” – diễn ra trong giai đoạn đầy rẫy những biến động xuất phát từ những căng thẳng tôn giáo tại Việt Nam. Vẫn với cách xử lý phá cách đặc trưng của mình, Đức sử dụng triệt để những biểu tượng phản chiến và hình ảnh ôn hoà để hoá giải căng thẳng và bạo lực. Cách mà anh cố tình khoa trương màu hồng ne-on thoạt đầu có vẻ như khiêu khích để bị gắn mác “gay”, nhưng thật ra càng đi sâu vào không gian, người xem càng nhận ra những thông điệp khác, riêng biệt ẩn chứa trong từng tác phẩm. Trong dịp này, Đức cũng đích thân lựa chọn thêm tranh tuyên truyền và những câu cổ động trích từ Bộ sưu tập Dogma để bổ sung thêm cho những lời kể bằng hình ảnh của mình.
Tiếp tục đào sâu vào góc độ ảnh hưởng của các chiến dịch tuyên truyền trong thời chiến, Đức dựa vào sự kiện Hiệp Định Geneve năm 1954, một mốc lịch sử làm thay đổi toàn diện bối cảnh địa lý và chính trị của Việt Nam. Đợt di cư 54 đánh dấu một đại biến chuyển trong nội địa một đất nước bị phân cách bởi Vĩ tuyến 17, một ranh giới vừa chính xác vừa vô hình phân chia giữa Bắc-Nam. Đối diện với làn ranh đó, những tác phẩm của Đức là biểu trưng tinh thần cho mong muốn của anh bước qua nó để xướng lên lên những câu khẩu hiệu tuyên truyền mà trước đây đài phát thanh và các cơ quan tâm lý chiến từ hai phía truyền đi, để kể lại những câu chuyện thời thơ ấu mà anh được nghe từ Ông Bà khi họ phải rời đi từ mảnh đất thân thương để đi theo ánh sáng của “Đức Mẹ đã vào Nam”.
Từ khi còn là đứa bé học Bảng chữ cái, Đức cũng đồng thời nhận thức về cái gọi là “giọng Bắc 54”, là một phần đặc hữu trong khu xóm giáo dân mà chính những người họ hàng của anh hình thành. Khi lớn lên, vẫn với sự tò mò không đổi, mạng Internet trở thành công cụ đắc lực để Đức tìm hiểu thêm về những âm thanh, hình ảnh của những sự kiện lịch sử xảy ra song song ở phương Tây mà trước đây anh chưa được biết đến: những bài hát, những bức ảnh đen trắng, và những bông hoa nâng lên trước loạt họng súng hung hăng.
Trong triển lãm Hoa Thống Nhất, cách trình bày không hề giấu giếm của những hình ảnh, vật dụng được sưu tập, của ánh sáng rực rỡ có thể nhanh chóng bị đánh giá là sến súa nhưng đó chính là thái độ táo bạo của Đức nhằm nhắc nhở một cách nghiêm túc những thời điểm lịch sử mà đến nay có lẽ dễ dàng bị lãng quên và xoá nhoà. Và khi chúng ta hiện diện tại đây ngày hôm nay, ở nào khác có đang diễn ra một hành trình sang phía tự do? Mà thế nào là tự do? Có còn những bông hoa nâng lên trước đầu mũi súng? Lịch sử, tư liệu, chuyện kể và nhân loại… Sự thật đến từ đâu?
———
Trần Minh Đức sinh ra và lớn lên ở Sàigòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Anh tốt nghiệp khoa Hội hoạ tại Cao Đẳng Văn Hoá Nghệ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh. Tác phẩm của Đức luôn tìm hiểu tính cách của cuộc sống đô thị, con người và lịch sử, luôn ghi nhận từ những tương tác giữa cá nhân và cộng đồng, giữa những ý niệm thuộc tính địa phương và ngoại quốc. Thực hành của anh xem xét về định nghĩa thế nào là người Việt Nam giữa những đan xen phức hợp của cuộc sống đương thời. Anh bị thu hút bởi lịch sử của nơi chốn, cách mà những hình ảnh lịch sử tạo nên cảm hứng cho con người hành động theo cách thức mô phỏng, rời rạc và vô tình tạo nên những câu chuyện truyền miệng, biểu tượng tôn giáo và niềm tin, bưu thiếp và các vật liệu/ chất liệu sưu tập. Các tác phẩm của anh áp dụng đa (phi) chất liệu bao gồm: biểu diễn, nhiếp ảnh, ghép giấy, in, sắp đặt, hình ảnh động, nhạc nhằm khám phá ký ức cộng đồng và lưu trữ văn hoá bằng cách nghiên cứu những chuyện kể lịch sử, tác động của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, và ảnh hưởng lâu dài của chiến tranh và di cư.
Đức lưu trú với chương trình Art in General năm 2017 với sự hỗ trợ của Hội Đồng Văn Hoá Châu Á. Trước đó, anh làm quản lý và điều phối chương trình tại Sàn Art. Ngoài ra, anh tham gia các chương trình của: AIR in Tokyo TWS 2011, Nagasaki Japan 2015, Phnom Penh Cambodia SaSaArt Project 2015, Paris France Béton Salon 2016, Art in General NYC USA 2017, Seoul Korea Haenghwatang 2018, Jeju Culture Space Yang 2019, Osaka Japan 2020 với Yamamoto Seika, FIGYA 2020, Super StudioKitakagaya 2021, và chương trình lưu trú do Osaka City tài trợ 2022.